MENU
LIÊN KẾT WEB
TÌM KIẾM
THỜI TIẾT NINH BÌNH
Nhiệt độ trung bình: 19°C
Cao nhất: 24°C
Thấp nhất: °C
Độ ẩm: %
 
 
VĂN BẢN ĐIỆN TỬ
Đến tháng 9 Năm 2024
Sở Giao thông vận tải thực hiện
177.400
Văn bản qua mạng
PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT

 Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, yêu cầu tăng cường vai trò của pháp luật là một tất yếu khách quan. Cùng với việc không ngừng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống trở thành yêu cầu cấp thiết, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và hiệu quả với nhiều hình thức, biện pháp phù hợp. Ngày Pháp luật là một trong những hình thức, biện pháp, là một mô hình triển khai cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu đó. Sau 10 năm triển khai thực hiện (2013 - 2022), Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, trở thành một sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng của đất nước, ngày hội của toàn dân, đóng góp tích cực vào việc nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật của toàn xã hội.

Sự ra đời của Ngày Pháp luật Việt Nam
Trên thế giới, hiện có khoảng 40 quốc gia tổ chức Ngày Pháp luật hay Ngày Hiến pháp như một ngày hội hằng năm để kỷ niệm ngày ký, ngày ban hành Hiến pháp của nước mình. Trong ngày này, các luật gia, luật sư và các hiệp hội nghề nghiệp về luật tổ chức nhiều hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật trong cộng đồng nhằm tăng cường hơn nhận thức của nhân dân, học sinh, sinh viên về vị trí, vai trò tối thượng, không thể thay thế của Hiến pháp, pháp luật trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, đặc biệt là về các giá trị tự do, dân chủ, công lý, công bằng.
Ở Việt Nam, Ngày Pháp luật thực chất là mô hình bắt nguồn từ sáng kiến của địa phương. Xuất phát từ nhu cầu đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, các tỉnh: Hà Tây (trước đây), Tiền Giang, Long An đã tổ chức triển khai mô hình này với tính chất là một ngày sinh hoạt pháp luật tập trung để cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật và sau đó được một số địa phương khác tham khảo, áp dụng. Qua theo dõi, nghiên cứu, tổng hợp việc thực hiện mô hình này tại các địa phương, Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ (nay là Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương) đã đánh giá đây là một cách làm mới, tích cực, góp phần đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật và chỉ đạo, hướng dẫn nhân rộng mô hình này trên phạm vi toàn quốc (Công văn số 3535/HĐPH ngày 04/10/2010 của Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ). Theo đó, đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đa số các Bộ, ngành đã triển khai thực hiện mô hình này và bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực trong thực tế.
Việc Quốc hội lựa chọn ngày 9/11 là Ngày Pháp luật là bởi vào ngày này, cách đây 75 năm, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta - Hiến pháp năm 1946. Đây là một sự kiện chính trị - pháp lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng mở đầu con đường phát triển mới của lịch sử lập hiến của đất nước. Sau Hiến pháp năm 1946, nước ta đã có thêm 04 bản Hiến pháp (các năm 1959, 1980, 1992, 2013), những giá trị dân chủ, quyền con người, quyền công dân, tư tưởng và mô hình tổ chức nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các bản Hiến pháp và toàn bộ hệ thống pháp luật của nước ta. Chính vì vậy, theo đề xuất của Chính phủ, ngày 09/11 - ngày ban hành Hiến pháp năm 1946 được xác định là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngày 20/6/2012, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Tại Điều 8 của Luật này đã chính thức ghi nhận: “Ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.
Nội dung, hình thức, trách nhiệm hướng dẫn nội dung, hình thức tổ chức và trách nhiệm tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam.
Cụ thể hóa Điều 8 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, ngày 04/4/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (Nghị định số 28/2013/NĐ-CP), trong đó, quy định cụ thể nội dung, hình thức, trách nhiệm hướng dẫn nội dung, hình thức tổ chức và trách nhiệm tổ chức Ngày Pháp luật:
Về nội dung tổ chức Ngày Pháp luật, theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 28/2013/NĐ-CP: (i) Khẳng định vị trí, vai trò của Hiến pháp, pháp luật trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội; (ii) Giáo dục cán bộ, công chức, viên chức và người dân ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; (iii) Ý thức bảo vệ pháp luật; (iv) Lợi ích của việc chấp hành pháp luật; (v) Tuyên truyền, phổ biến các quy định của Hiến pháp, pháp luật thiết thực với đời sống của Nhân dân, gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; (vi) Vận động Nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; (vii) Biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật; (vii) Nội dung khác theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.Để triển khai các nội dung trên, Ngày Pháp luật được tổ chức dưới các hình thức như mít tinh, hội thảo, tọa đàm, thi tìm hiểu pháp luật, tuyên truyền, phổ biến pháp luật lưu động; triển lãm.
Về hình thức tổ chức Ngày Pháp luật, theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 28/2013/NĐ-CP, bao gồm: (i) Mít tinh; hội thảo; tọa đàm; (ii) Thi tìm hiểu pháp luật; (iii) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lưu động; triển lãm; (iv) Các hình thức khác theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
Về trách nhiệm hướng dẫn nội dung, hình thức tổ chức và trách nhiệm tổ chức Ngày Pháp luật, Nghị định quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương trong tổ chức triển khai Ngày Pháp luật: (i) Bộ Tư pháp hướng dẫn nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật trong phạm vi cả nước; (ii) Trên cơ sở hướng dẫn tổ chức Ngày Pháp luật của Bộ Tư pháp, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp hướng dẫn về nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật cho các tổ chức thành viên; (iii) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức Ngày Pháp luật; (iv) Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người đứng đầu cơ quan Trung ương của các tổ chức thành viên của Mặt trận trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức Ngày Pháp luật cho các hội viên, đoàn viên của tổ chức mình.
Mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam
Thứ nhất, xây dựng tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật: Ngày Pháp luật được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, đề cao giá trị của Hiến pháp và pháp luật trong nhà nước pháp quyền, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Với ý nghĩa đó, mọi tổ chức, cá nhân tập trung nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, góp phần đưa các quy định của pháp luật đi vào cuộc sống, từ đó lan tỏa sâu rộng để tất cả các ngày trong năm đều là Ngày Pháp luật.
Thứ hai, xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ ứng xử phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật: Pháp luật của nước ta đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch, ghi nhận, bảo vệ, bảo đảm quyền – lợi ích cho mỗi cá nhân và sự hài hòa các loại lợi ích trong xã hội. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh hiến pháp, pháp luật; xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật, ý thức bảo vệ pháp luật của toàn dân.
Thứ ba, đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, của kỷ cương, phép nước: Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách; đề cao ý thức làm chủ, tôn trọng kỷ luật, tự do trong khuôn khổ pháp luật; coi trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp; ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, lòng yêu nước, xây dựng lối sống, nếp sống văn hoá; bồi dưỡng ý thức và năng lực phát huy giá trị văn hoá dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại là những điều kiện quan trọng góp phần hình thành con người về mặt tâm hồn, nhân cách, để mỗi con người tự ý thức về mình, về cộng đồng, về dân tộc, về đất nước. Đây chính là yếu tố tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, của kỷ cương, phép nước.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân:
Thứ năm, hướng tới xây dựng nền văn hóa pháp lý: Văn hóa pháp luật rất hiện hữu, được thể hiện hàng ngày ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của nhà nước, cá nhân và xã hội, trong nội dung, thực hành, áp dụng Hiến pháp, pháp luật, trong tất cả những vấn đề liên quan đến con người, quyền, tự do, trách nhiệm của con người. Để hình thành nền văn hóa pháp luật, cần phải xây dựng lối sống tôn trọng pháp luật. Lối sống theo pháp luật thể hiện một trạng thái thường xuyên, thường ngày, được tạo lập từ các ứng xử theo pháp luật ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh; không đơn thuần chỉ là một hành động nhất thời mà trở thành thói quen. Do vậy, Ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân tính tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống xã hội. Đồng thời, đây còn là mô hình để vận động, khuyến khích, kêu gọi toàn thể Nhân dân chung sức, đồng lòng vì sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước, phát huy triệt để tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc cùng tích cực hành động vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh
Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022
Năm 2022 là năm thứ 10 thực hiện hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam với chủ đề “Đổi mới, sáng tạo, triển khai hiệu quả, toàn diện các lĩnh vực công tác; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế; góp phần xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” nhằm tiếp tục lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong xã hội, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của các Bộ, ngành, địa phương; thiết thực đưa chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, lan tỏa sâu rộng tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật đến mọi tầng lớp Nhân dân và đánh giá, rút kinh nghiệm qua 10 năm tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, tôn vinh, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công tác xây dựng thi hành, bảo vệ pháp luật./.
Thùy Dung
 CÁC TIN KHÁC
Những điểm mới Luật Thanh tra
Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm liên quan đến cá độ bóng đá
Danh mục thông tin được công khai theo quy định của Luật tiếp cận thông tin
Những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức
Những điểm mới của Bộ luật Lao động năm 2019
Nghị định quy định một số điều và biện pháp thi hành luật, phòng, chống tham nhũng
Luật phòng chống tham nhũng
Nghị định kiểm tra xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
Nghị định số 13/2018/NĐ-CP
Mục đích và ý nghĩa ngày Pháp luật Việt Nam 09/11
Bản đồ quy hoạch giao thông Ninh Bình đến năm 2030
VIDEO-CLIP
THÔNG BÁO
    
 
 
MỘT CỬA ĐIỆN TỬ
Đến tháng 9 Năm 2024
Sở Giao thông vận tải thực hiện
100 %
Hồ sơ đúng và trước hạn
(99.6 % hồ sơ trước hạn,
Giải quyết: 1111 hồ sơ)

THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 1204460
Số người trực tuyến:3
SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI TỈNH NINH BÌNH
Trưởng ban biên tập: Lê Trọng Thành - Giám đốc sở
Địa chỉ: Số 40 đường Lê Đại Hành - TP. Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình.
Điện thoại: 0229.871.129 Fax: 0229.889.678
Email: sgtvt@ninhbinh.gov.vn